Hình ảnh đại công trường dang dở ở đoạn cuối Vành đai 3 TPHCM
HỮU CHÁNH
Sau 9 năm xây dựng, gần 5 km cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Bến Lức (Long An) vẫn còn dang dở, không có hoạt động thi công, người dân tận dụng khu đất trống chăn thả bò.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển, sân bay Long Thành. Dự án khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2025.
Hình ảnh đại công trường dang dở ở đoạn cuối Vành đai 3 TPHCM
TPO - Tại khu vực xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có một nút giao của ba trục giao thông huyết mạch là cao tốc TPHCM-Trung Lương, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức- Long Thành. Hiện, các đường dẫn rẽ làn từ hướng cao tốc TPHCM - Trung Lương ra vẫn còn đang dang dở, "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Trục giữa là cao tốc TPHCM-Trung Lương, vòng cung bên trái là đường ra vào cao tốc tuyến Vành đai 3, hai nhánh bên phải là đường ra vào cao tốc Bến Lức-Long Thành. Nút giao huyết mạch này nằm tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Nhánh bên dưới là điểm cuối của Vành đai 3, nhánh bên trên hướng bắt đầu cao tốc Bến Lức-Long Thành (Đồng Nai).
Từ góc này, đoạn bắt đầu cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện vẫn là bờ đê lớn, cỏ dại phủ kín. Cầu vượt đường dân sinh Mỹ Yên-Tân Bửu hiện chỉ là phần bệ đỡ.
Các công trình thi công dang dở đã phủ màu của thời gian.
Ba tuyến đường này liền mạch sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Cao tốc chưa hoàn thành, con đường tạm mà xe chở vật liệu chạy cũng chưa được tái lập. Người dân khu vực ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức cho biết từ năm 2014 dự án bắt đầu thi công, nhưng hai năm nay không thấy thi công nữa.
Một khu dân cư nằm lọt thỏm giữa đường dẫn từ cao tốc TPHCM-Trung Lương vào cao tốc Bến Lức- Long Thành. Người dân đang từng ngày chờ hoàn thiện nút giao thông huyết mạch và trọng điểm của phía Nam.
Bệ đỡ vượt đường dân sinh Mỹ Yên - Tân Bửu phủ màu thời gian.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km có một đoạn dài 38km sẽ nối vào đường vành đai 3 TPHCM, tạo thành một vòng tròn khép kín sẽ tạo động lực phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hình ảnh một nút giao của cao tốc Bến Lức-Long Thành tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Bến Lức (Long An) với huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đã được khởi công. Cao tốc dài 58km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng. Theo lãnh đạo VEC, dự án đã đạt 80% khối lượng thi công nhưng phải dừng lại từ giữa năm 2019 do vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn vốn.
Trong bối cảnh dự án vành đai 3 TPHCM giai đoạn 1 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp lần này thì việc đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành là rất cần thiết.
00:00
00:06
00:31
Cao tốc Bến Lức-Long Thành đoạn qua sông Soài Rạp vẫn chưa hợp long.
Công trình vẫn còn đang dang dở, bên dưới là đường số 1, nối dài đường Nguyễn Hữu Thọ.
Phía điểm bắt đầu Vành đai 3 ở Bình Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi vừa tiến hành kiểm tra khảo sát việc thực hiện xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM (Bình Dương là điểm bắt đầu Vành đai 3, từ trục Tân Vạn- Mỹ Phước ở TP. Dĩ An) và mở rộng Quốc lộ 13, đoạn đi qua tỉnh này . Ông yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ; đồng thời giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân trong diện bị thu hồi đất, tái định cư.
Đối với đường Vành đai 3, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định dự án này có vai trò rất quan trọng, tạo liên kết vùng để phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ. Đường Vành đai 3 có 26 km đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương và địa phương đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng trên 15km. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tăng tốc để hoàn thành dứt điểm trong năm 2024. Trong ảnh, nút giao Mỹ Phước- Tân Vạn là điểm bắt đầu của tuyến Vành đai 3 và đã đưa vào sử dụng gần 20km
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét